Đây là một trong những mục tiêu trong Dự thảo “Kế hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016 – 2020” đang được Sở TN&MT TP.HCM lấy ý kiến để hoàn thiện trình UBND Thành phố chính thức phê duyệt.
Theo dự thảo Kế hoạch, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020, TP.HCM phấn đấu 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và 80-90% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn phát sinh được thu gom đúng quy định; 100% tổng lượng chất thải nguy hại phát sinh được thu gom đúng quy định; 100% tổng lượng chất thải rắn y tế không nguy hại và nguy hại phát sinh tại các cơ sở y tế, bệnh viện được thu gom đúng quy định.
Về vận chuyển, xử lý: 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại, chất thải rắn y tế được vận chuyển, xử lý, tái chế và tái sử dụng đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Về công nghệ xử lý: áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt (tái chế, làm phân compost và đốt) 40% và chôn lấp hợp vệ sinh 60% trên tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt. 100% số bãi chôn lấp chất thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và hợp vệ sinh.
Để đạt được mục tiêu trên, TP.HCM sẽ xây dựng mạng lưới thu gom, vận chuyển đảm bảo 100% chất thải rắn sinh hoạt phát sinh của chủ nguồn thải, hộ gia đình, cá nhân được thu gom, vận chuyển, xử lý đúng quy định. Thực hiện phân cấp dần quản lý nhà nước về cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt
Chuẩn hóa các phương tiện thu gom, vận chuyển và đầu tư đồng bộ các trang thiết bị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố.Đầu tư các trạm trung chuyển rác theo công nghệ ép rác kín, có trang thiết bị xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường.
Khắc phục hạn chế ô nhiễm tại các Khu xử lý chất thải rắn và kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý chất thải rắn theo công nghệ hiện đại, tiên tiến giảm dần áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh. Đẩy nhanh việc xây dựng dự án Khu công nghệ môi trường xanh (Thủ Thừa Long An) đi vào tiếp nhận rác của thành phố.
Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cho chủ nguồn thải, lực lượng thu gom cho các huyện ngoại thành khó khăn trong hoạt động chuyển giao, thu gom, xử lý.
Về chất thải nguy hại: TP.HCM sẽ rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu về nguồn thải, chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ trên địa bàn; triển khai Kế hoạch thu gom, vận chuyển, trung chuyển chất thải nguy hại đối với chủ nguồn thải có phát sinh CTNH thấp hơn 600 kg/năm. Phân cấp quản lý nhà nước về quản lý chất thải nguy hại đến Ban quản lý các Khu Chế xuất- Khu công nghiệp, Ủy ban nhân dân quận, huyện đối với chủ nguồn thải hoạt động trong khu và có phát sinh chất thải nguy hại thấp hơn 600 kg/năm.
Đặc biệt, TP.HCM sẽ triển khai xây dựng các dự án tái chế, xử lý chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại có công suất khoảng 800 tấn/ngày tại các Khu liên hợp xử lý chất thải của thành phố để đến năm 2018 đưa vào vận hành.
Về chất thải rắn y tế: TP.HCM sẽ tăng cường công tác kiểm soát, quản lý chất thải rắn của các cơ sở y tế tư nhân; triển khai kế hoạch thu gom, vận chuyển chất thải rắn y tế trên địa bàn thành phố; xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế trên địa bàn thành phố. Đồng thời, triển khai các dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới các công trình xử lý chất thải tại các cơ sở y tế tuyến quận – huyện, thành phố đảm bảo đạt quy chuẩn về môi trường.
Theo Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường