//= get_template_directory_uri() ?>
Một nghiên cứu mới cho thấy nước biển ấm góp phần đẩy nhanh tốc độ tan băng ở khu vực phía Tây Nam Cực, chứ không phải do nhiệt độ Trái Đất tăng lên.
Phóng viên TTXVN tại Canada cho biết theo nghiên cứu do trường Đại học Edinburgh phối hợp với Liên đoàn Địa vật lý Mỹ thực hiện, nhân tố chính đẩy nhanh quá trình tan băng ở vùng Tây Nam Cực là nước biển ấm, chứ không phải do nhiệt độ tăng cao.
Trong 40 năm qua, diện tích băng ở Nam Cực đã bị thu hẹp khoảng 1.000 km2 và quá trình tan băng ở vùng biển Bellingshausen thuộc phía Tây diễn ra lâu hơn nhận định trước đó của các nhà khoa học.
Để thực hiện nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân tích và so sánh hàng nghìn hình ảnh vệ tinh chụp các bờ biển Bellingshausen, một trong những nơi ít được nghiên cứu nhất từ trước tới nay do các tàu nghiên cứu chưa thể tiếp cận được.
Toàn bộ số ảnh được chụp từ năm 1975-2015. Kết quả cho thấy băng tan ở Bellingshausen chủ yếu do nước biển ấm lên.
Đồng chủ nhiệm công trình nghiên cứu, ông Frazer Christie, đánh giá rằng đây là phát hiện đáng quan ngại vì tại Greenland và các khu vực khác của Nam Cực, hiện tượng băng tan chủ yếu do nhiệt độ tăng lên.
“Nhiệt độ ở khu vực phía Tây Nam Cực vẫn dưới độ đóng băng lên không thể là nguyên nhân gây hiện tượng băng tan cũng như những thay đổi khác mà chúng ta quan sát được,” ông Christie giải thích.
Nghiên cứu chung của Đại học Edinburgh và Liên đoàn Địa vật lý Mỹ đã làm sáng tỏ hiện tượng băng tan ở khu vực ít được nghiên cứu nhất từ trước tới nay.
Nhóm nghiên cứu hy vọng kết quả nghiên cứu sẽ giúp cộng đồng khoa học thế giới có cái nhìn toàn diện về hiện tượng băng tan ở vùng cực Nam của Trái Đất, nhất là tại khu vực quanh năm băng tuyết bao phủ như biển Bellingshausen.
Theo thiennhien