//= get_template_directory_uri() ?>
Công cụ quản lý môi trường là các biện pháp hành động nhằm thực hiện công tác quản lý môi trường của Nhà nước, các tổ chức khoa học và sản xuất.
MTX xin trích đăng giới thiệu các công cụ quản lý môi trường trong “Giáo trình kinh tế và quản lý môi trường” của Tác giả Nguyễn Thế Chinh, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên & Môi trường.
Theo bản chất, có thể chia công cụ quản lý môi trường thành các loại cơ bản như sau:
Công cụ luật pháp và chính sách
Công cụ kinh tế
Công cụ kỹ thuật quản lý
Công cụ giáo dục nâng cao nhận thức
Công cụ luật pháp và chính sách.
Công cụ luật pháp chính sách hay còn gọi là các công cụ pháp lý bao gồm các văn bản về luật quốc tế, luật quốc gia, các văn bản khác dưới luật (pháp lệnh, nghị định, quy định, các tiêu chuẩn môi trường, giấy phép môi trường …), các kế hoạch, chiến lược và chính sách môi trường quốc gia, các ngành kinh tế và các địa phương.
Luật quốc tế về môi trường là tổng thể các nguyên tắc, quy phạm quốc tế điều chỉnh mối quan hệ giữa các quốc gia, giữa quốc gia và tổ chức quốc tế trong việc ngăn chặn, loại trừ thiệt hại gây ra cho môi trường của từng quốc gia và môi trường ngoài phạm vi sử dụng của quốc gia. Cho đến nay đã có hàng nghìn các văn bản luật quốc tế về môi trường. Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều văn bản trong số đó. Pháp luật quốc tế về bảo vệ môi trường do nhiều nước ký kết hoặc tham gia không có hiệu lực trực tiếp trên lãnh thổ quốc gia cụ thể. Muốn thi hành trên phạm vi lãnh thổ quốc gia nào đó, các qui phạm của Luật quốc tế về bảo vệ môi trường cần phải được chuyển hoá thành quy phạm pháp luật quốc gia, nghĩa là Nhà nước phải phê chuẩn các văn bản này.
Luật Môi trường quốc gia là tổng hợp các quy phạm pháp luật, các nguyên tắc pháp lý điều chỉnh các quan hệ phát sinh giữa các chủ thể trong quá trình các chủ thể sử dụng hoặc tác động đến một hoặc một vài yếu tố của môi trường trên cơ sở kết hợp các phương pháp điều chỉnh khác nhau nhằm bảo vệ một cách có hiệu quả môi trường sống của con người. Hệ thống luật bảo vệ môi trường của một quốc gia thường gồm luật chung và luật sử dụng hợp lý các thành phần môi trường hoặc bảo vệ môi trường cụ thể ở một địa phương, một ngành.
Ở Việt Nam, Luật Bảo vệ Môi trường được Quốc hội thông qua ngày 27/12/1993 là văn bản quan trọng nhất về bảo vệ môi trường. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 175/CP ngày 18/10/1994 về hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ Môi trường và Nghị định 26/CP ngày 26/4/1996 về xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường. Nhiều khía cạnh bảo vệ môi trường cũng được đề cập trong các văn bản pháp luật khác (gọi là luật về các thành phần môi trường) như Luật Khoáng sản, Luật Phát triển và bảo vệ rừng, Luật Dầu khí, Luật Hàng hải, Luật Lao động, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân, Luật Tài nguyên nước, Pháp lệnh đê điều, Pháp lệnh về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, Pháp lệnh về bảo vệ các công trình giao thông…
Quy định là những văn bản dưới luật nhằm cụ thể hoá hoặc hướng dẫn thực hiện các nội dung của luật. Quy định có thể do Chính phủ trung ương hay địa phương, do cơ quan hành pháp hay lập pháp ban hành.
Quy chế là các quy định về chế độ thể lệ, tổ chức quản lý bảo vệ môi trường chẳng hạn như quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, Bộ, Sở khoa học, công nghệ và môi trường…
Tiêu chuẩn môi trường là những chuẩn mức, giới hạn cho phép, được quy định dùng làm căn cứ để quản lý môi trường. Tiêu chuẩn môi trường có quan hệ mật thiết với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Việc xây dựng tiêu chuẩn môi trường một mặt dựa trên các quy định đã được kiểm nghiệm thực tế, mặt khác phải có nhiều căn cứ khoa học, nhằm bảo đảm cho tiêu chuẩn môi trường phù hợp với nhu cầu bảo vệ sinh thái, đồng thời khả thi về mặt kinh tế, xã hội. Hệ thống tiêu chuẩn môi trường phản ánh trình độ khoa học, công nghệ, tổ chức quản lý và tiềm lực kinh tế xã hội có tính đến dự báo phát triển. Cơ cấu của hệ thống tiêu chuẩn môi trường bao gồm các nhóm chính sau:
Những quy định chung
Tiêu chuẩn nước (nước mặt, nước ngầm, nước thải…)
Tiêu chuẩn không khí (khói, bụi, khí thải…)
Tiêu chuẩn liên quan đến bảo vệ đất canh tác, sử dụng hoá chất trong sản xuất nông nghiệp.
Tiêu chuẩn về bảo vệ thực vật, sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ…
Tiêu chuẩn liên quan đến bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, văn hoá.
Tiêu chuẩn liên quan đến môi trường do các hoạt động khai thác khoáng sản trong lòng đất, ngoài biển…
Chính sách bảo vệ môi trường giải quyết những vấn đề chung nhất về quan điểm quản lý môi trường, về các mục tiêu bảo vệ môi trường cơ bản cần giải quyết trong một giai đoạn dài 10 – 15 năm và các định hướng lớn thực hiện mục tiêu, chú trọng việc huy động các nguồn lực cân đối với các mục tiêu về bảo vệ môi trường.
Chính sách bảo vệ môi trường phải được xây dựng đồng thời với chính sách phát triển kinh tế – xã hội. Chức năng quan trọng nhất của chính sách môi trường là tạo điều kiện gắn kết các mục tiêu phát triển bền vững vào hoạt động phát triển của từng ngành, từng vùng; tạo liên kết giữa các ngành và các cấp trong việc thực hiện các mục tiêu bảo vệ môi trường.
Chiến lược bảo vệ môi trường cụ thể hoá chính sách ở một mức độ nhất định. Chiến lược xem xét chi tiết hơn mối quan hệ giữa các mục tiêu do chính sách xác định và các nguồn lực để thực hiện chúng; trên cơ sở đó lựa chọn các mục tiêu khả thi, xác định phương hướng, biện pháp thực hiện mục tiêu.
Các công cụ pháp lý là các công cụ quản lý trực tiếp (còn gọi là công cụ mệnh lệnh và kiểm soát – CAC). Đây là loại công cụ được sử dụng phổ biến từ lâu ở nhiều quốc gia trên thế giới và là công cụ được nhiều nhà quản lý hành chính ủng hộ.
Giám sát và cưỡng chế là hai yếu tố quan trọng của công cụ này. Có thể thấy những ưu điểm nổi bật của loại công cụ này; thứ nhất, công cụ này được coi là bình đẳng đối với mọi người gây ô nhiễm và sử dụng tài nguyên môi trường vì tất cả mọi người đều phải tuân thủ những quy định chung; thứ hai, công cụ này có khả năng quản lý chặt chẽ các loại chất thải độc hại và các tài nguyên quý hiếm thông qua các quy định mang tính cưỡng chế cao trong thực hiện.
Bên cạnh những ưu điểm đó, công cụ CAC cũng còn tồn tại một số hạn chế như đòi hỏi nguồn nhân lực và tài chính lớn để có thể giám sát được mọi khu vực, mọi hoạt động nhằm xác định khu vực bị ô nhiễm và các đối tượng gây ô nhiễm. Đồng thời, để bảo đảm hiệu quả quản lý, hệ thống pháp luật về môi trường đòi hỏi phải đầy đủ và có hiệu lực thực tế.