Các công cụ quản lý môi trường (phần 4)

Hệ thống đặt cọc – hoàn trả

Đặt cọc – hoàn trả được sử dụng trong hoạt động bảo vệ môi trường bằng cách quy định các đối tượng tiêu dùng các sản phẩm có khả năng gây ô nhiễm môi trường phải trả thêm một khoản tiền (đặt cọc) khi mua hàng, nhằm bảo đảm cam kết sau khi tiêu dùng sẽ đem sản phẩm đó (hoặc phần còn lại của sản phẩm đó) trả lại cho các đơn vị thu gom phế thải hoặc tới những địa điểm đã quy định để tái chế, tái sử dụng hoặc tiêu hủy theo cách an toàn đối với môi trường. Nếu thực hiện đúng, người tiêu dùng sẽ được nhận lại khoản đặt cọc do các tổ chức thu gom hoàn trả lại.

Đặt cọc – hoàn trả được coi là một trong những “ứng cử viên” sáng giá cho các chính sách nhằm giúp nền kinh tế thoát khỏi chu trình sản xuất tuyến tính (khai khoáng → nguyên liệu thô → sản phẩm → phế thải) và hướng tới chu trình tuần hoàn trong đó các tài nguyên được tái chế, tái sử dụng tới mức tối đa có thể được.

Phạm vi sử dụng các hệ thống đặt cọc – hoàn trả bao gồm:

Các sản phẩm mà khi sử dụng có khả năng gây ô nhiễm môi trường nhưng có thể xử lý tái chế hoặc tái sử dụng

Các sản phẩm làm tăng lượng chất thải, cần các bãi thải có quy mô lớn và tốn nhiều chi phí tiêu huỷ

Các sản phẩm chứa chất độc, gây khó khăn đặc biệt cho việc xử lý; nếu tiêu huỷ không đúng cách sẽ gây nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khoẻ con người.

Hệ thống đặt cọc – hoàn trả tỏ ra đặc biệt thích hợp với việc quản lý các chất thải rắn. Các quốc gia thuộc tổ chức OECD đã áp dụng khá thành công hệ thống đặt cọc – hoàn trả đối với các sản phẩm đồ uống, bia, rượu (đựng trong vỏ chai nhựa hoặc thuỷ tinh) mang lại hiệu quả cao cho việc thu gom các phế thải.

Hiện nay các nước này đã và đang mở rộng việc áp dụng hệ thống đặt cọc – hoàn trả sang các lĩnh vực khác như vỏ tàu, ô tô cũ, dầu nhớt, ắc quy có chứa chì, thuỷ ngân, cadimi; vỏ chai đựng thuốc trừ sâu, các đồ điện gia dụng như máy thu hình, tủ lạnh, điều hoà không khí…

Nhiều nước trong khu vực Đông á như Hàn Quốc, Đài Loan cũng đã có thành công nhất định trong việc áp dụng hệ thống đặt cọc – hoàn trả đối với vỏ lon, vỏ chai nhựa, thuỷ tinh, sắt, thép, nhôm phế liệu, ắc quy, săm lốp, dầu nhớt, giấy loại, …

Theo kinh nghiệm của các nước, mức đặt cọc là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến hiệu quả của hệ thống đặt cọc – hoàn trả. Các mức đặt cọc thấp sẽ không tạo ra động cơ kinh tế đủ mạnh cho việc thu gom và tái chế phế thải.

Ngoài ra các yếu tố như nhận thức và ý thức của người sản xuất và tiêu dùng đối với vấn đề thu gom phế thải, khả năng tổ chức, quản lý hệ thống thu gom cũng như vấn đề công nghệ tái chế đều có ảnh hưởng không nhỏ đến sự hoạt động và thành công của hệ thống.

Ký quỹ môi trường

Ký quỹ môi trường là công cụ kinh tế áp dụng cho các hoạt động kinh tế có tiềm năng gây ô nhiễm và tổn thất môi trường. Nguyên lý hoạt động của hệ thống ký quỹ môi trường cũng tương tự như của hệ thống đặt cọc – hoàn trả. Nội dung chính của ký quỹ môi trường là yêu cầu các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh trước khi tiến hành một hoạt động đầu tư phải ký gửi một khoản tiền (hoặc kim loại quý, đá quý, hoặc các giấy tờ có giá trị như tiền) tại ngân hàng hay tổ chức tín dụng nhằm bảo đảm sự cam kết về thực hiện các biện pháp để hạn chế ô nhiễm, suy thoái môi trường.

Mục đích chính của việc ký quỹ là làm cho người có khả năng gây ô nhiễm, suy thoái môi trường luôn nhận thức được trách nhiệm của họ từ đó tìm ra các biện pháp thích hợp ngăn ngưà ô nhiễm, suy thoái môi trường.

Trong quá trình thực hiện đầu tư và sản xuất, nếu các doanh nghiệp / cơ sở có các biện pháp chủ động ngăn chặn, khắc phục không để xẩy ra ô nhiễm hoặc suy thoái môi trường, hoàn nguyên hiện trạng môi trường đúng như cam kết thì họ sẽ được nhận lại số tiền đã ký quỹ đó.

Ngược lại nếu bên ký quỹ không thực hiện đúng cam kết hoặc phá sản thì số tiền đã ký quỹ sẽ được rút ra từ tài khoản ngân hàng / tổ chức tín dụng để chi cho công tác khắc phục sự cố, suy thoái môi trường.

Ký quỹ môi trường tạo ra lợi ích cho Nhà nước vì không phải đầu tư kinh phí khắc phục môi trường từ ngân sách. Ký quỹ môi trường cũng khuyến khích các doanh nghiệp tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp sẽ có lợi ích do lấy lại được vốn khi không để xẩy ra ô nhiễm hoặc suy thoái môi trường.

Với mục đích và nguyên lý hoạt động như vậy, rõ ràng số tiền ký quỹ phải lớn hơn hoặc xấp xỉ với kinh phí cần thiết để khắc phục môi trường nếu doanh nghiệp gây ra ô nhiễm và suy thoái môi trường.

Nếu số tiền ký quỹ quá nhỏ so với chi phí bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp sẽ có xu hướng từ bỏ việc nhận lại số tiền ký quỹ đó và không thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường của mình.

Công cụ ký quỹ môi trường đã được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt với các hoạt động công nghiệp như khai thác mỏ, khai thác rừng hoặc đại dương.

Trợ cấp môi trường

Trợ cấp môi trường là công cụ kinh tế quan trọng được sử dụng ở rất nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước thuộc tổ chức OECD. Trợ cấp môi trường có thể dưới các dạng sau:

Trợ cấp không hoàn lại

Các khoản cho vay ưu đãi

Cho phép khấu hao nhanh

Ưu đãi thuế (miễn, giảm thuế)

Chức năng chính của trợ cấp môi trường là giúp đỡ các ngành công – nông nghiệp và các ngành khác khắc phục ô nhiễm môi trường trong điều kiện khi tình trạng ô nhiễm môi trường quá nặng nề hoặc khả năng tài chính của doanh nghiệp không chịu đựng được đối với việc xử lý ô nhiễm. Trợ cấp cũng còn nhằm khuyến khích các cơ quan nghiên cứu và triển khai các công nghệ sản xuất có lợi cho môi trường hoặc các công nghệ xử lý ô nhiễm.

Tuy nhiên, trợ cấp có thể gây ra sự không hiệu quả. Các nhà sản xuất có thể đầu tư quá mức vào kiểm soát và xử lý ô nhiễm (làm giảm ô nhiễm nhiều hơn so với mức tối ưu cũng là không hiệu quả).

Trường hợp ngược lại, trợ cấp không được hạch toán toàn bộ vào chi phí giảm ô nhiễm mà một phần được dùng để hạ thấp chi phí sản xuất cá nhân, làm tăng lợi nhuận.

Trợ cấp môi trường chỉ là biện pháp tạm thời, nếu vận dụng không thích hợp hoặc kéo dài sẽ dẫn đến phi hiệu quả kinh tế vì trợ cấp đi ngược với nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, nó tạo ra sự thay đổi số công ty (vào – ra tự do đối với ngành công nghiệp), thay đổi mức hoạt động của ngành công nghiệp mà mục đích giảm ô nhiễm lại không đạt được.

Vì vậy, trợ cấp môi trường chỉ có thể thực hiện trong một thời gian cố định với một chương trình có hoạch định và kiểm soát rõ ràng, thường xuyên.

Nhân viên kinh doanh

  • Ms Hằng 028.3770.1202

Tư vấn môi trường

  • Ms Hằng098.588.6371
  • Ms Thuỷ0914.809.147