//= get_template_directory_uri() ?>
Nhà khoa học khí hậu James Hansen là một nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực khí hậu toàn cầu hơn 40 năm qua. Năm 1988, trước Quốc hội Mỹ, ông là người đưa vấn đề gia tăng phát thải khí nhà kính ra trước toàn công chúng, đồng thời dẫn đầu hàng loạt nghiên cứu về những thay đổi của thế giới trước một tương lai nóng lên toàn cầu.
Cách đây 8 năm, Hansen đưa ra một quyết định hiếm có: tham gia đấu tranh vì khí hậu, như phản đối việc phá đỉnh núi tại phía Tây bang Virginia, biểu tình phản đối đường dẫn dầu Keystone XL. Hành động cùng những nghiên cứu của ông thường gặp phải nhiều tranh cãi từ cả giới truyền thông và cộng đồng học thuật. Trong bài phỏng vấn mới đây với Tạp chí Yale Environment 360, Hansen – nguyên giám đốc Học viện Goddard NASA về nghiên cứu không gian tại New York đã nói về con đường sự nghiệp lạ lùng của mình, những thất vọng trước sự hờ hững trước vấn đề môi trường của các nhà hoạch định chính sách trong suốt 4 thập kỷ qua và thế giới sẽ ra sao trong 100 năm tới.
PV: Trong bài báo mới đăng tải trên tạp chí “Atmospheric Chemistry and Physics Discussion” (Tạm dịch: Bàn về Hóa học và Vật lý Không gian), ông và đồng nghiệp cho rằng mức tăng nhiệt độ 2oC có thể là tiền đề gây ra biến đổi khí hậu đột ngột. Ông có thể mô tả chi tiết kịch bản này được không?
James Hansen: Chúng ta đã biết, tăng nhiệt độ lên 2oC sẽ khiến mực nước biển dâng lên vài mét. Thời kỳ băng tan gần nhất cách đây 120.000 năm là lần cuối cùng nhiệt độ cao hơn ngày nay. Khi đó, mực nước biển cao hơn 6-9 m, có nghĩa hầu hết các thành phố ven biển đều từng không tồn tại. Người dân khó có thể tưởng tượng được tình huống này, nhưng khoa học thì hiểu rất rõ.
Không có gì để tranh luận về sự thật rằng chúng ta sẽ mất dần các vùng ven biển, nơi đang tọa lạc nhiều thành phố lớn trên thế giới. Câu hỏi bây giờ là bao lâu nữa? Tôi không nghĩ thông điệp này đã được đưa tới các nhà hoạch định chính sách và công chúng một cách rõ ràng. Tại hội nghị khí hậu Paris vào tháng 12 năm ngoái, hơn 190 quốc gia đã đồng ý rằng biến đổi khí hậu do hoạt động của con người cần phải được giảm thiểu tối đa. Mất các thành phố ven biển sẽ là một hậu quả nguy hiểm, và thế giới sẽ khó có thể điều chỉnh được nếu điều này nhanh chóng xảy ra. Thậm chí, thời gian băng tan có thể ngắn hơn nhiều so với giả định trong các cuộc thảo luận liên chính phủ.
PV: Ông bắt đầu nghiên cứu biến đổi khí hậu từ những năm 1970. Bốn mươi năm qua, ông có từng nghĩ cộng đồng khoa học sẽ dự đoán nước biển dâng lên tới vài mét?
Hansen: Tôi cũng đã từng dự đoán trước điều đó, nhưng tôi cảm thấy thất vọng khi các can thiệp chính sách không được thực hiện để giải quyết vấn đề. Năm 1981, chúng tôi giới thiệu nghiên cứu lớn đầu tiên về khí hậu trên tạp chí Science, khẳng định nếu chúng ta tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch, mực nước biển sẽ dâng lên nhiều mét. Chúng tôi cũng bàn về mức độ nóng lên khi vượt quá mức biến động tự nhiên; và sự thật là Bắc cực sẽ mất đi vùng biển băng.
Tôi nhớ đã bình luận với Andy Lacis – đồng nghiệp tại NASA, rằng khi chúng tôi về hưu, những điều thú vị sẽ xảy ra trên hành tinh của chúng ta. Điều chúng tôi không thể đoán được là phản ứng khá chậm chạp của các chính phủ trước những dấu hiệu ngày càng rõ rệt. Không ai có thể kỳ vọng rằng các chính phủ sẽ có phản ứng tức thời khi vẫn dựa trên những mô hình đơn giản từ 40 năm trước. Trong khi đó, hiện nay đó không chỉ là mô hình nữa, mà là sự thật đang diễn ra.
PV: Các báo cáo khoa học mới gần đây, các tít lớn công bố về biến đổi khí hậu và các dự đoán khí hậu, tất cả đều đang nói về tình trạng biến đổi khí hậu đột ngột. Có phải ý tưởng về biến đổi khí hậu diễn ra một cách từ từ đã hoàn toàn không còn trong hiện tại?
Hansen: Nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng lên đều đặn từ giữa những năm 1970. Trong hai tháng đầu năm nay, nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn giai đoạn 1950 – 1980 là 1,30C. Tuy nhiên, nhiệt bộ trung bình trong năm sẽ tăng khoảng 0,9oC, khá cao so với mức tăng tuyến tính trong suốt 4 thập kỷ.
Các sự kiện cực đoan tại khu vực và địa phương, với tần suất và mức độ khắc nghiệt ngày càng gia tăng do Trái đất tiếp tục nóng lên, gây ảnh hưởng lớn đối với đời sống con người. Mực nước biển và băng tan cũng là một quá trình không tuyến tính, dự đoán sẽ có những thay đổi chóng mặt trong vài thập kỷ tới. Chúng tôi còn chỉ ra rằng luồng nước ngọt từ Greenland và Bắc cực đang ảnh hưởng tới vòng tuần hoàn đại dương. Thông thường, môi trường lạnh giá của mùa đông vùng cực khiến muối trong nước biển đông đặc và chìm xuống đáy biển, tạo ra sự tuần hoàn quay vòng. Tôi nghĩ sẽ rất nguy hiểm nếu chúng ta tiếp tục thải thêm khí nhà kính, Dòng đối lưu kinh tuyến Đại Tây Dương (AMOC) sẽ đóng sớm hơn so với mô hình dự đoán. Đối với khoa học, đây là một hiện tượng thú vị nhưng đồng thời là một mối đe dọa.
PV: Ông ủng hộ năng lượng hạt nhân trong khi nhiều nhà môi trường học không đồng ý. Luận điểm nào khiến ông ủng hộ điều này?
Hansen: Việc các nhà môi trường học phản đối hạt nhân là một điều rất thú vị. Nếu bạn quay ngược lại thế kỷ trước, các nhà môi trường học, ít nhất là một số trong đó, đã chỉ ra rằng năng lượng hạt nhân có thể là lựa chọn tốt nhất cho tương lai vì không để lại nhiều tác động với môi trường. Một mảnh uranium bằng trái bóng bàn chứa đủ năng lượng cho một người sống tới 100 tuổi. Không như nhiên liệu hóa thạch, nó không thải ra khí nhà kính cũng như sol khí vào khí quyển.
Ở phươngTây, chúng ta đã nâng mức sống bằng cách đốt nhiên liệu hóa thạch. Nếu phần còn lại của thế giới làm điều tương tự, tất cả sẽ bị “nấu chín”. Trung Quốc và Ấn Độ biết rất rõ rằng họ không thể có đủ năng lượng cần thiết từ mặt trời và gió – chúng không ổn định và không phải là giải pháp toàn diện.
Một số người chỉ trích ông vì hành động tuyên truyền các kịch bản khí hậu cực đoan tới truyền thông và công chúng. Liệu việc làm này có thể mang hiệu quả ngược lại, như thể vụ việc Keystone XL khiến mọi người tuyệt vọng và cho rằng: “Chúng ta chẳng thể làm gì khác. Vấn đề quá lớn lao”?
Hansen: Cộng đồng khoa học ngày càng quan tâm tới sự thật rằng chúng ta đang đẩy hệ thống đến tới hạn và mọi chuyện đang xảy ra. Tôi không nghĩ rằng mình là một nhà cảnh báo. Quan điểm với sự kiện đường dẫn dầu Keystone XL là chúng ta không thể đốt nhiên liệu hóa thạch một cách bừa bãi mà không chắc chắn rằng liệu thế hệ mai sau có thể phải đối mặt với một tình huống ngoài kiểm soát hay không.
PV: Khi nhìn vào các dự án khí hậu trong 100 năm tới, theo ông, liệu chúng ta có đủ thời gian và động lực để thích ứng?
Hansen: Một số hiện tượng biến đổi khí hậu rõ ràng đang xảy ra mà chúng ta phải thích ứng, nhưng những điều không thể thích ứng chính là thứ tôi gọi là mối nguy hại không thể tránh. Hai điểm đặc biệt tôi muốn nhấn mạnh là: thứ nhất, mực nước biển dâng, gây ra thiệt hại kinh tế to lớn. Đó là mối nguy hại mà thế hệ mai sau không thể tránh khỏi. Thứ hai là sự hủy diệt các loài. Nếu chúng ta tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch thì các khu vực khí hậu sẽ dịch chuyển đủ nhanh và đủ xa, cùng với các áp lực khác gây ra sự tuyệt diệt nghiêm trọng đối với nhiều loài trên khắp hành tinh.
PV: Ông đang cân bằng giữa việc là một nhà khoa học và một nhà hoạt động, một vị trí mà nhiều nhà nghiên cứu không sẵn sàng. Khi nào ông cảm thấy mình phải đóng vai trò nhà hoạt động nhiều hơn?
Hansen: Tôi không khuyên tất cả nhà khoa học, đặc biệt là những người trẻ, ra ngoài và bị bắt. Tôi có thể làm điều đó vì tôi sắp nghỉ hưu.
PV: Ông nghĩ gì về vai trò mà nhiều nhà khoa học cần có?
Hansen: Tôi nghĩ rằng nhiều nhà khoa học ở mọi độ tuổi cần trở nên rõ ràng hơn nữa trong việc truyền tải các kết luận khoa học tới công chúng. Chúng ta sống trong một xã hội mà nhiều người không hiểu hoặc đánh giá đúng về khoa học, điều đó phần nào là một vấn đề truyền thông cần cải thiện.
PV: Có phải sự bùng nổ việc sử dụng thủy thực trong khai thác khí đá phiến và giải phóng methan vào khí quyển đã thay đổi cách các nhà khoa học hiểu và dự đoán ảnh hưởng của biến đổi khí hậu? Thậm chí điều này có phải đã xảy ra từ một thập kỷ trước?
Hansen: Khai thác khí từ đá phiến bằng thủy lực đã mang lại thay đổi lớn trong lịch sử. Có những nhà khoa học từng cho rằng khi dầu, gas đã sử dụng tới hạn, vấn đề khí hậu sẽ giảm dần trong tương lai. Thế nhưng ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch đã tìm ra cách khai thác nhiều hơn nữa từ lòng đất. Chúng ta không thể nào sử dụng tất cả nhiên liệu hóa thạch mà lại có thể đảm bảo rằng hành tinh sẽ không thay đổi. Khai thác khí đá phiến và cát dầu , những thứ tôi gọi là nhiên liệu hóa thạch không truyền thống, chúng ta không thể trả được cái giá để sử dụng chúng.
Giá như chúng ta có thể tạm thời từ biệt than đá và khí đốt trong khi phát triển năng lượng phi carbon, thế nhưng đó không phải điều đang thực sự diễn ra. Chúng ta vẫn đang đốt than đá và sử dụng khí đốt nhiều hơn.
Theo thiennhien