Chăn nuôi ở nông thôn và giải phải để hạn chế ô nhiễm môi trường

Đi dọc theo các miền nông thôn ở ngoại ô Hà Nội, sẽ thấy không ít những con mương hoặc ao hồ đen ngòm nước thải cùng mùi xú uế bốc lên nồng nặc. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở các vùng nông thôn do chăn nuôi gia súc gia cầm ngay gần nơi người dân sinh sống đang cần một giải pháp hữu hiệu từ phía các nhà quản lý.


Những mương nước đen ngòm và bốc mùi hôi nồng nặc ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội).

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn cùng chính sách dồn điền đổi thửa giúp cho người dân có việc làm ngay tại nơi sinh sống, đồng thời giúp cho kinh tế nông thôn tăng trưởng mạnh mẽ từ chính những mô hình vườn-ao-chuồng. Bộ mặt nông thôn từng bước thay đổi với khẩu hiệu “ly nông bất ly hương”.

Nhưng bên cạnh những ưu việt của sự phát triển đó thì vùng nông thôn nói chung và vùng nông thôn ở các ven đô nói riêng đang phải đối mặt với thực trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hệ thống thoát nước, xử lý nước thải không được quy hoạch một cách bài bản, người dân lại thiếu kiến thức trong việc xử lý chất thải và không ý thức về giữ gìn vệ sinh môi trường nên xả thải một cách bừa bãi ra cống rãnh, ao hồ dẫn đến tình trạng những con mương vốn rất trong xanh thì nay trở nên đen ngòm với đủ các loại chất thải và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Chính điều này là nguyên nhân giảm sức đề kháng với vật nuôi, tỷ lệ mắc bệnh cho gia súc gia cầm tăng cao và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của những người nông dân.

Ô nhiễm môi trường ở các vùng nông thôn do chăn nuôi chủ yếu từ các nguồn chất thải rắn, chất thải lỏng, bụi, tiếng ồn, xác gia súc, gia cầm chết chôn lấp, tiêu hủy không đúng kỹ thuật, tổng số vi khuẩn trong không khí ở chuồng nuôi cao gấp 30-40 lần so với không khí bên ngoài.


Những mương nước trong xanh trước kia giờ đen ngòm bởi các loại chất thải.

Chưa kể ô nhiễm môi trường do chăn nuôi thải ra các ao hồ, sông suối làm ô nhiễm nguồn nước dẫn đến người dân bị các bệnh lây lan như dịch tả, bệnh ngoài da, bệnh hô hấp và đặc biệt là căn bệnh hiểm nghèo như ung thư. Theo kết quả “Nghiên cứu ảnh hưởng của ô nhiễm asen trong nguồn nước ăn uống, sinh hoạt tới sức khỏe, bệnh tật của cộng đồng dân cư vùng đồng bằng sông Hồng và biện pháp khắc phục”, do PGS.TS. Nguyễn Khắc Hải, Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường năm 2012 cho thấy, trong số 4.700 đối tượng (nam và nữ) đã sử dụng nước giếng khoan trên 3 năm (có nhiễm chất asen) để ăn, uống và tắm giặt đã phát hiện được 60 trường hợp nhiễm độc asen mãn tính, chiếm tỷ lệ 1,62% trong tổng số người sử dụng nước ô nhiễm asen, phân bố nhiều nhất ở Hà Nội (7,25%).

Năm 2005, WHO đã từng khuyến cáo phải có các giải pháp để tăng cường việc làm trong sạch môi trường chăn nuôi, kiểm soát, xử lý chất thải, giữ vững được an toàn sinh học, tăng cường sức khỏe các đàn giống. Các chất thải chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường do vi sinh vật (các mầm bệnh truyền nhiễm) là đặc biệt nguy hiểm, vì nó sẽ làm phát sinh các loại dịch bệnh như tiêu chảy, lở mồm long móng, tai xanh, cúm gia cầm H5N1.

Chiến lược phát triển thuỷ lợi đến năm 2020 cũng đã nêu rõ quan điểm phát triển thuỷ lợi là: “Phục vụ đa mục tiêu: coi trọng phát triển thuỷ lợi phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất lâm nghiệp, đa dạng hoá cây trồng, đảm bảo an ninh lương thực trước sức ép gia tăng dân số, biến động bất lợi của thời tiết và bất ổn định của thế giới, đồng thời phải giải quyết nguồn nước cho sinh hoạt, công nghiệp, thuỷ sản, dịch vụ du lịch, duy trì và cải thiện môi trường sinh thái, khai thác thuỷ năng”.

Bên cạnh đó, nhiều giải pháp cũng được các nhà nghiên cứu đưa ra nhằm giảm tải ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi ở nông thôn như xây hầm Bioga, quy trình xử lý chất thải như: bể lắng – hầm biogas – ao sinh học, hầm biogas – ao sinh học và hầm biogas – thùng sục khí – ao sinh học, quy hoạch lại, đưa chăn nuôi ra xa đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, chăn nuôi an toàn gắn với bảo vệ môi trường. Sử dụng kỹ thuật cho vào thức ăn và chất thải chăn nuôi các men, các chế phẩm sinh học nhằm hạn chế khí độc hại và vi sinh vật có hại. Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thân thiện với môi trường. Ủ phân bằng phương pháp sinh học che phủ kín, xử lý nước thải bằng cây thủy sinh, quy hoạch lại các hệ thống chuồng trại… Nhưng có lẽ, việc tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường cho người nông dân cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng; đồng thời cũng cần đưa ra các chế tài xử phạt nghiêm cho những chủ trang trại, người dân làm ô nhiễm môi trường.

Nhân viên kinh doanh

  • Ms Hằng 028.3770.1202

Tư vấn môi trường

  • Ms Hằng098.588.6371
  • Ms Thuỷ0914.809.147