//= get_template_directory_uri() ?>
Tình trạng nhiều cơ sở sơ chế cà phê tư nhân hoạt động gây ô nhiễm môi trường lại tái diễn, gây ảnh hưởng đến đời sống của bà con.
Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa thu hoạch cà phê tại một số địa phương của tỉnh Sơn La, tình trạng nhiều cơ sở sơ chế cà phê tư nhân hoạt động gây ô nhiễm môi trường lại tái diễn, gây ảnh hưởng đến đời sống của bà con nhân dân trong vùng.
Cơ sở chế biến cà phê của doanh nghiệp Thu Thủy tại bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La có diện tích khoảng 15.000 m2. Ngoài 1 dàn máy sát, tuốt vỏ cà phê, 2 lò sấy cà phê, còn có ao chứa nước sử dụng sơ chế cà phê, 3 ao chứa nước thải. Qua kiểm tra, đánh giá ban đầu của phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Sơn La, 3 ao chứa nước thải trên chưa được lót nền chống thấm và không đảm bảo theo đúng quy định xử lý nước thải, có thể thẩm thấu ra môi trường xung quanh.
Hồ chứa nước thải gây ô nhiễm môi trường
Việc xả nước thải chưa qua xử lý trực tiếp ra môi trường của cơ sở này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh. Có thể cảm nhận rõ khi đến gần khu vực này do mùi hôi thối bốc lên.
Ông Phạm Thu, Giám đốc DNTN Thu Thủy, bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La nói: “Thực tế, chúng tôi không biết cái này có ảnh hưởng gì đến đời sống của nhân dân hay không. Hiện tại, doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính, để đầu tư bể xử lý nước thải cũng cần một khoản rất lớn, doanh nghiệp cũng không đủ sức để làm. Hiện tại, doanh nghiệp cũng đang tiến hành đào các hố rồi xả nước thải xuống hoặc lót bạt để khắc phục tạm thời”.
Những năm trước đó, tình trạng các cơ sở sơ chế cà phê gây ô nhiễm môi trường đã xảy ra, mặc dù đã được lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tuyên truyền, xử lý, song tình trạng này vẫn chưa chấm dứt. Thiết nghĩ, cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn nữa với các cơ sở sản xuất như thế này để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
vov.vn