//= get_template_directory_uri() ?>
Theo Hội cấp thoát nước Việt Nam, tính đến cuối năm 2016, hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường trên cả nước chỉ mới xử lý được hơn 10% tổng lượng nước thải đô thị. Hiện tại các tỉnh, thành mới chỉ có 35 hệ thống xử lý nước thải tập trung đang hoạt động với tổng công suất thiết kế khoảng 850.000m3/ngày đêm.
Trong 35 nhà máy xử lý nước thải thì chỉ có 5 nhà máy có công nghệ xử lý sinh học, 15 nhà máy có công nghệ xử lý sinh học bậc 2, 8 nhà máy xử lý sinh học bậc 2 kết hợp xử lý Ni tơ và chỉ có 7 nhà máy xử lý sinh học kết hợp xử lý Ni tơ, Phốt pho triệt để.
Chỉ có 10% nước thải từ các đô thị lớn được xử lý trước khi xả ra môi trường
Đa số các nhà máy xử lý nước thải chỉ loại bỏ chất hữu cơ và vi sinh vật gây bệnh mà chưa chú trọng đến vấn đề xử lý Nitơ, Phốt pho trong nước thải. Nhiều trường hợp các nhà máy xử lý nước thải được thiết kế và vận hành không phù hợp với đặc tính nước thải thực tế, dẫn tới giảm hiệu quả bảo vệ môi trường, giảm hiệu quả đầu tư.
Ngoài ra, trên cả nước hiện có khoảng 5.000 làng nghề nhưng đa phần chưa có trạm thu gom, xử lý nước thải. Với thực tế thiếu hụt nghiêm trọng hạ tầng kỹ thuật xử lý, nước và bùn thải, khu vực các đô thị hiện thừa chất dinh dưỡng ở dạng các hợp chất của Ni tơ, Phốt pho là nguyên nhân trực tiếp gây ra tình trạng phú dưỡng trên các sông ngòi, ven biển, đặc biệt là trong các hồ chứa tại đô thị.
Theo PGS. TS. Trần Thị Việt Nga, Trưởng khoa Kỹ thuật Môi trường (Đại học Xây dựng), nước thải chứa nhiều chất bẩn, chất độc có tác động xấu, gây hại cho môi trường và sức khỏe con người. Các chất Amonia, Nitrit (NO2), Nitrat (NO3) có trong nước với tỷ lệ đậm đặc trên lưu vực các sông, hồ là tác nhân gây ra tình trạng thiếu hụt ôxy trong nguồn nước và các hiện tượng tảo nở hoa gây ra các sự cố môi trường. Nitơ và Phốt pho không chỉ là 2 tác nhân gây ra hiện tượng phù dưỡng trong nguồn nước sông, hồ mà còn có nguy cơ tạo nên chất tiền ung thư, suy hô hấp ở trẻ em …
“Tuy nhiên, đa số các nhà máy xý nước thải hiện nay chủ yếu chỉ nhằm loại bỏ chất hữu cơ, chưa chú trọng đến vấn đề xử lý Ni tơ, Phốt pho trong nước”, PGS.TS Trần Thị Việt Nga cho hay.
Cần chính sách hợp lý
Thiếu hệ thống thu gom, xử lý nước thải đã đi một lẽ, nhưng theo phân tích của Tiến sỹ Nguyễn Phương Quý, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển môi trường SFC Việt Nam, nước thải đô thị Việt Nam có tính đặc thù là chất hữu cơ thấp nhưng hàm lượng Nito và Phốt pho rất cao nên rất khó xử lý. Tạo ra tính đặc thù này của nước thải là do hệ thống thu gom chưa hoàn thiện, thói quen sinh hoạt sử dụng nhiều thức ăn chất đạm, chưa đảm bảo vệ sinh môi trường trong các vấn đề chế biến thức ăn (như thói quen sơ chế thực phẩm tại các chợ truyền thống), vứt rác bừa bãi, sử dụng các hóa chất tẩy rửa có hàm lượng Phốt pho cao, ….
Theo TS Nguyễn Phương Quý, các tiêu chuẩn Việt Nam về nước thải có từ năm 1995 đều quy định phải xử lý Nitơ, Phốt pho có trong nước thải. Tuy nhiên, khá nhiều Nhà máy xử lý nước thải khi thiết kế và xây dựng đã không quan tâm đến việc phải xử lý Nitơ, Phốt pho.
Do đó cần phải tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong vấn đề xử lý Nitơ, Phốt pho. Bên cạnh đó, cũng cần phải có một bộ quy chuẩn riêng cho nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung, trong đó quan tâm hơn đến quy định xử lý Nitơ, Phốt pho phù hợp với từng lưu vực và nguồn tiếp nhận nước thải sau xử lý.
Trong khi đó, nếu được quan tâm đầu tư ngay từ ban đầu thì công nghệ xử lý Nito và Phốt pho trong nước thải thậm chí còn rẻ hơn các công nghệ khác. Hiện, ở Việt Nam mới chỉ có 6 công nghệ xử lý nước thải, trong đó 3 công nghệ xử lý được Nito và Phốt pho.
Đại diện Hội Cấp thoát nước Việt Nam thông tin, đến nay số doanh nghiệp tư nhân đổ tiền vào lĩnh vực này chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay, trong khi đó, năng lực, công nghệ của các đơn vị công ích thuộc khối quốc doanh lại còn quá nhiều hạn chế. Nếu không có sự điều chỉnh kịp thời trong chính sách thu hút đầu tư, không kêu gọi, tận dụng được nguồn lực của khối tư nhân, vấn đề xử lý nước thải đô thị tại nước ta sẽ còn gặp nhiều khó khăn, chậm tiến triển và hệ lụy ngày một nặng nề hơn.