Đã đến lúc mỗi người nên hành xử có ý thức với môi trường

Đã đến lúc mỗi người thôi bao biện, ngưng xả rác và cúi xuống nhặt rác dưới chân mình thì đó mới là cách hành xử công bằng với môi trường, với cộng đồng.

Thôi[-]đừng[-]bao[-]biện...
Nhóm bạn trẻ ngồi ăn nhậu ngay bên những bãi rác ở suối Trúc – Ảnh: NGỌC HIỂN

“Ai cũng xả chứ có riêng gì tôi đâu. Nhìn đi, dọn rác ở đây thì vứt đi đâu, vứt vào bụi cây thì cũng chừng đó thôi mà”.

Nam thanh niên ngoái đầu trả lời câu hỏi “Vì sao không dọn rác?” rồi bỏ đi cùng nhóm bạn, để lại một đống thức ăn thừa ngổn ngang giữa suối Trúc (huyện Dầu Tiếng, Bình Dương).

Hàng chục nhóm bạn trẻ đến con suối này dã ngoại vào ngày 3-7 đều như thế, mang rất nhiều thức ăn, đồ uống, chai lọ… vào rừng nhưng đều phủi tay ra về. Đủ loại rác còn lại sau những cuộc ăn nhậu nằm xếp lớp, vương vãi khắp con suối. Ngay cả những lối đi luồn lách giữa rừng trúc ở hai bên suối cũng đầy rẫy rác.

Nguyễn Phú Thảo (sinh viên Trường ĐH Văn hóa TP.HCM) trở lại con suối này sau ba năm đã phải thốt lên: “Suối Trúc hoang sơ giờ đã thành con suối rác rồi”.

Còn với bà Ngô Thị Mỹ Lệ, một người bán nước cạnh con suối này, chứng kiến cảnh hằng ngày suối phải “cõng” thêm một lượng rác không nhỏ từ những nhóm học sinh, sinh viên, công nhân… lên đây vui chơi khiến bà không khỏi xót xa. “Có một cái thùng rác đó nhưng mấy đứa nhỏ có bỏ vào đâu, ai cũng ăn uống no nê rồi ném lại rác giữa suối cho khỏe mình mà chẳng nghĩ đến những người sau” – bà Lệ nói.

Ông Nguyễn Toàn Sang, chủ tịch UBND xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng, cho biết xã có đặt bốn thùng rác và thuê người dọn rác vào cuối tuần, nhưng một người dọn mà có đến hàng trăm, hàng ngàn người xả.

“Làm dữ lắm mà rác vẫn còn, khổ ghê luôn. Các bạn cứ đến ăn rồi đổ vô hóc vô hẻm trong rừng, mình không ngăn được, chỉ nhắc nhở thôi nhưng nhiều người vẫn vứt, rất nan giải” – ông Sang nói.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi, các bạn trẻ đều biện minh cho hành vi xả rác của mình bằng những lý do rất đơn giản: “Không tìm ra thùng rác”, “Ai cũng vứt mà”, “Chẳng lẽ mang về lại nhà mình”, “Dơ vậy ai mà đem về được”…

Nghe những câu trả lời này, anh Nguyễn Mậu Linh, người từng chinh phục đỉnh Everest và nhiều đỉnh núi trên thế giới, cho biết những gì đang diễn ra tại suối Trúc là thực trạng chung đáng buồn khi chính người Việt không biết bảo vệ cảnh quan đẹp đẽ mà mình đang có. Theo anh Linh, nhiều du khách đang mang trong mình tâm lý đi một lần rồi thôi, không quay lại nữa nên không giữ gìn cho tương lai.

“Hành vi xả rác đó cho thấy ý thức của không ít bạn trẻ quá kém. Thử nhìn ra thế giới xem người ta ý thức cao đến chừng nào, ví dụ khi tôi leo ngọn núi Kilimanjaro (châu Phi), dù rất đông du khách quốc tế đến đây nhưng không tìm thấy một cọng rác dọc đường. Đó là do họ tự chuẩn bị các túi rác, ai thải ra cái gì đều cho vào túi đem về lại. Hơn thua nhau ở chuyện ý thức con người mà thôi” – anh Linh nói.

Rác ở suối Trúc chỉ là chuyện ở một địa phương nhưng phơi bày cả lối sống thụ động của một bộ phận giới trẻ Việt. Chỉ vì không tìm được thùng rác mà ai cũng vịn vào nhau, đổ lỗi cho nhau để bao biện hành vi xả rác của mình. Nhưng đâu chỉ là một con suối giữa rừng sâu, ngay cả ở đường phố, công viên, quảng trường… sau những đêm bắn pháo hoa rác vẫn ngập ngụa dù có thùng rác kế bên.

Xem ra, hành xử có ý thức với môi trường trong giới trẻ là một vấn đề nan giải khi không ít người vẫn còn ích kỷ, không sống vì cộng đồng. Đã đến lúc mỗi người thôi bao biện, ngưng xả rác và cúi xuống nhặt rác dưới chân mình thì đó mới là cách hành xử công bằng với môi trường, với cộng đồng.

Theo tinmoitruong

Nhân viên kinh doanh

  • Ms Hằng 028.3770.1202

Tư vấn môi trường

  • Ms Hằng098.588.6371
  • Ms Thuỷ0914.809.147