//= get_template_directory_uri() ?>
Việc phát triển các KCN, cụm công nghiệp, làng nghề đã tạo nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội cho tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên việc phát triển trên chưa hài hòa với bảo vệ môi trường, khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.
Theo thống kê của Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi, hiện tỉnh có Khu kinh tế Dung Quất, 2 KCN đang hoạt động, 11 cụm công nghiệp, 22 làng nghề và hơn 3.000 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh. Trung bình mỗi ngày KCN, các làng nghề trong tỉnh thải ra môi trường hàng triệu m3 nước thải.
Hiện tại, TP. Quảng Ngãi có khoảng 1.291 cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, nhưngchỉ có 229 hồ sơ đăng ký bảo vệ môi trường. “Qua công tác thanh tra, TP. Quảng Ngãi hiện có khoảng 776 cơ sở sản xuấtcông nghiệp – tiểu thủ công nghiệp có khả năng gây ô nhiễm môi trường, chiếm gần 60% tổng số các cơ sở sản xuất trên địa bàn. Trong số này có 642 cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường phải di dời vào vùng quy hoạch. Tuy nhiên, hiện nay một số nơi tại KCN, làng nghề vẫn chưa hoàn thiện khu xử lý nước thải tập trung. Nhiều nhà máy, xí nghiệp chưa nghiêm túc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, nhiều lần lén lút xả thải ra môi trường” – ông Lê Mỹ Liên – Giám đốc Sở TN&MT Quảng Ngãi nói.
Theo thống kê từ lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường tỉnh Quảng Ngãi, từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện 803 vụ vi phạm về môi trường, với 106 tổ chức, 843 cá nhân. Khởi tố điều tra 45 vụ, với 73 bị can; xử lý hành chính 502 vụ, 104 tổ chức, 463 cá nhân, phạt trên 3,3 tỷ đồng, đồng thời chuyển cho các cơ quan khác tiếp tục xử lý 254 vụ với 307 đối tượng.
Thiếu cơ chế đồng bộ
Với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, một số doanh nghiệp đã tích cực cải tạo, đổi mới công nghệ nhằm giảm thiểu khí thải, nước thải, chất thải độc hại ra môi trường. Tuy nhiên, những vụ phát hiện về vi phạm môi trường thời gian qua cũng chỉ là con số rất nhỏ so với thực tế về tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường đã và đang xảy ra. Trong khi đó, công tác kiểm tra, kiểm soát cũng như phát hiện để xử lý và ngăn chặn triệt để còn rất nhiều bất cập.
Theo ông Liên, một trong những nguyên nhân gây ra hạn chế trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đó là do cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực môi trường còn thiếu và chưa đồng bộ. Bộ máy quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường vẫn còn thiếu về số lượng, yếu về năng lực. Phần lớn các vụ liên quan đến vi phạm môi trường đều xảy ra ở cơ sở, thế nhưng đến nay cán bộ chuyên trách môi trường ở xã, phường, thị trấn lại chưa có.
Từ thực tế trên, vấn đề đặt ra hiện nay là các cấp, các ngành và địa phương phải đặc biệt lưu tâm đến công tác bảo vệ môi trường song hành cùng sự phát triển của ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp. Cần phải xem việc giải quyết ô nhiễm môi trường là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị chứ không chỉ phó mặc cho cơ quan pháp luật hay cơ quan chuyên môn nào; đồng thời phát huy vai trò của người dân trong vấn đề bảo vệ môi trường.