Lỗ hổng quản lý chất thải y tế

Xả thải bừa bãi

Cục Quản lý môi trường y tế – Bộ Y tế vừa tiến hành xử lý hành vi chôn lấp hơn 63 tấn rác thải y tế nguy hại của BV Đa khoa tư nhân Lê Ngọc Tùng (Tây Ninh) và yêu cầu đình chỉ hoạt động. Đây không phải là đơn vị đầu tiên bị phát hiện vi phạm môi trường một cách trắng trợn và xem thường sức khỏe người dân. Trước đó, Bộ Y tế cũng đã xử lý hàng loạt phòng khám, BV có hành vi tương tự. Thậm chí trong năm 2014, trước thông tin nghi ngại các loại rác thải y tế như chai truyền còn nguyên dịch, ống tiêm và dây truyền đã qua sử dụng, được tập kết về các xưởng tái chế nhựa tại Hà Nội rồi được nấu chảy, xử lý hóa chất thành các hạt nhựa để bán cho các cơ sở sản xuất cốc, hộp đựng cơm và ống hút…, Bộ Y tế buộc phải vào cuộc điều tra.

Tại TPHCM, mặc dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng theo Sở Y tế TPHCM, mỗi ngày có cả trăm tấn rác thải BV được thu gom, xử lý. Riêng tại BV Chợ Rẫy, lượng rác thải trung bình 8 tấn/ngày đêm, trong đó rác y tế chiếm khoảng 1 tấn, còn lại là rác sinh hoạt. Theo lãnh đạo BV, rác y tế được phân loại ngay tại nguồn phát sinh chất thải, bơm tiêm và các vật sắc nhọn… được phân loại riêng. Các chất thải nguy hiểm có nguy cơ lây nhiễm cao được xử lý ban đầu bằng hóa chất trước khi thu gom đến nơi tập trung. Với lượng bệnh nhân quá tải và gia tăng hàng năm cũng khiến công tác xử lý trở nên… quá tải và có thể vượt quá năng xử lý của BV. Bên cạnh đó, một số BV có lượng rác thải lớn như BV Đại học Y dược TPHCM, BV Phụ sản Từ Dũ, Hùng Vương… với hàng chục tấn rác thải loại mỗi ngày. Tuy nhiên, bên cạnh các BV xử lý đúng quy định thì một số đơn vị vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TPHCM kiểm tra xử lý rác thải, nước thải y tế tại BV Đa khoa Triều An – TPHCM.

Trong buổi giám sát tình hình bảo vệ môi trường, xử lý rác thải của BV Chỉnh hình và phục hồi chức năng (quận Tân Bình, TPHCM) mới đây, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TPHCM không khỏi băn khoăn vì ngoài việc khu chứa rác nằm sát khu dân cư không có nắp đậy, tường ngăn cách và bốc mùi, nơi đây không có kho chứa chế phẩm sinh học nên gom chế phẩm sinh học vào để chung với rác thải y tế. BV có 120 giường bệnh, trung bình mỗi ngày thải ra 120m³ nước thải y tế, nhưng hệ thống xử lý nước thải của BV chỉ có thể xử lý 50m³ nước thải/ngày… Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, ngoài hệ thống BV công lập thì TPHCM có tới cả ngàn BV, phòng khám đa khoa, chuyên khoa tư nhân cũng xả thải không ít rác y tế. “Có đơn vị hợp đồng thu gom với cơ quan môi trường đô thị, nhưng cũng có đơn vị không làm hợp đồng mà thải trộm, đổ trộm”, một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM ngán ngẩm cho biết.

Chế tài chưa đủ răn đe

Theo Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), hiện mới có khoảng 44% các BV có hệ thống xử lý chất thải y tế. Đáng nói, ngay ở các BV tuyến trung ương vẫn còn tới 25% cơ sở chưa có hệ thống xử lý chất thải y tế; BV tuyến tỉnh là gần 50%, còn BV tuyến huyện lên tới trên 60%. Theo Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an), việc xử lý rác thải y tế còn quá nhiều bất cập bởi nguy cơ lây lan mầm bệnh cao, trong khi công nghệ xử lý và ý thức của các BV, phòng khám chưa được nâng cao. Mặt khác, công tác chế tài đối với hành vi vi phạm cũng chưa đủ sức răn đe.

Ông Lê Văn Chính, Trưởng phòng Môi trường cơ sở y tế, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, Nghị định 179/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với hành vi chôn lấp, đổ, thải chất thải nguy hại không đúng quy định từ 700 – 800 triệu đồng. Tuy nhiên đó là mức phạt đối với trường hợp chôn lấp, đổ, thải từ 5 tấn trở lên hoặc từ 20 tấn trở lên đối với chất thải nguy hại. Trong khi, các BV, phòng khám cứ đổ trộm nhỏ giọt vài trăm ký mỗi ngày và ít khi bị phát hiện. Các quy định chế tài đi kèm như tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 6 – 12 tháng cũng chưa đủ để BV… biết sợ! Ngay như vụ BV Lê Ngọc Tùng nói trên, theo ông Chính có khả năng bị phạt khoảng 1 tỷ đồng và bị đình chỉ hoạt động có thời hạn! Trong khi theo các chuyên gia môi trường, vụ việc trên đủ căn cứ để truy tố hình sự.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, trong năm 2015, Bộ Y tế phấn đấu 100% BV tuyến trung ương, BV tư nhân; 70% BV tuyến tỉnh, ngành; 50% BV tuyến huyện thực hiện xử lý chất thải y tế đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Thế nhưng, thực tế liệu đạt được hay không còn bỏ ngỏ, trong khi công tác quản lý, trách nhiệm quản lý lại chồng chéo, chế tài chưa đủ mạnh…

 

Theo Bộ Y tế, Việt Nam hiện có trên 13.000 cơ sở y tế, phát sinh khoảng 380 tấn chất thải y tế/ngày, trong đó có 40 tấn chất thải nguy hại. Nếu không được quản lý tốt, các thành phần nguy hại trong chất thải y tế như vi sinh vật gây bệnh, chất gây độc, gây ung thư sẽ tạo ra nguy cơ đáng kể đối với sức khỏe cộng đồng và môi trường. 

Nhân viên kinh doanh

  • Ms Hằng 028.3770.1202

Tư vấn môi trường

  • Ms Hằng098.588.6371
  • Ms Thuỷ0914.809.147