//= get_template_directory_uri() ?>
Rác thải điện tử là bất cứ sản phẩm điện hoặc điện tử nào không còn sử dụng được nữa và cần phải loại bỏ. Hiện hữu ở hầu hết mọi nơi quanh chúng ta, rác thải điện tử được “tạo ra” với tốc độ nhanh khác thường. Máy tính, ti vi bị thay thế bằng các mẫu mới hơn là một ví dụ thường gặp của rác thải điện tử, cùng với vô số sản phẩm khác bị thải ra, như: Đầu máy video, đầu đĩa DVD, máy in, máy fax, điện thoại di động, máy nghe nhạc MP3…
Một điểm thu gom rác thải điện tử tại UBND phường Thành Công – Ba Đình, Hà Nội.
Theo một số chuyên gia, đồ điện tử nếu tháo dỡ hoặc xử lý không đúng cách thì những chất hóa học có trong chúng sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người qua các con đường ô nhiễm như: Đất, nước, không khí… Các sản phẩm điện tử thường được chế tạo từ kim loại nặng, bán kim loại và nhiều hợp chất hóa học khác nhau như: Chì, thủy ngân, đồng, niken,… Nhiều hóa chất và kim loại trong số này được biết đến như nguyên nhân của những căn bệnh nghiêm trọng: Ung thư, suy giảm nhận thức hay khiến các cơ quan nội tạng bị hủy hoại.
Mặc dù sự nguy hiểm từ những loại rác thải điện tử thường xuyên được các cơ quan chức năng và báo chí phản ánh, cảnh báo, tuy nhiên trên thực tế, việc xử lý các loại đồ điện tử cũ của người dân hiện nay lại hết sức đơn giản.
Chị Hoàng Thu Ngân (khu tập thể Thành Công, Hà Nội) cho biết: “Máy tính cũ, tivi hay các đồ điện tử gia đình không còn sử dụng, tôi thường bán cho người thu gom đồ đồng nát. Họ thường xuyên đến tận từng gia đình thu mua. Tôi cũng không biết họ mua để làm gì, nhưng bán đi được vài chục ngàn còn hơn là đem bỏ đi”.
Một số người thì đơn giản là chỉ mang cho vào sọt rác để xe chở rác đến thu gom vào cuối ngày. Anh Trần Nhật Phương (phố Hàng Bông, Hà Nội) chia sẻ: “Không có thời gian thu gom, tích trữ để mang tới nơi tiêu hủy, nên với các đồ điện tử đã hỏng hóc, không thể sử dụng, tôi chỉ mang bỏ vào thùng rác để xe chở rác tới thu gom vào cuối ngày”.
Đồ điện tử cũ, hỏng được mang đến điểm thu gom còn rất ít.
Việc tiêu hủy rác thải điện tử không đúng cách sẽ gây ra những tác động tiêu cực vô cùng lớn với môi trường sống của chúng ta. Nhưng hiện nay, nhận thức của người dân về việc xử lý rác thải điện tử đúng cách lại vô cùng hạn chế, hạn chế từ người chủ sử dụng các đồ điện tử cũ cho đến những người đi thu mua những thiết bị này về để tái chế hoặc tái sử dụng.
Làm nghề thu mua đồ đồng nát hơn chục năm nay, chị Lê Thị Cúc (Hưng Yên) cho biết, các thiết bị điện tử cũ như: Tivi, radio, máy tính hoặc màn hình máy tính người ta bán rất rẻ hoặc cho người mua bán đồng nát. Đa phần các thiết bị điện tử này đã hỏng hóc không thể sử dụng được nữa, nên chị thường tự tháo dỡ các thiết bị này để lấy các loại kim loại (đồng, nhôm), nhựa có trong các thiết bị. Còn lại các phần không bán được, chị đem loại bỏ.
Thống kê từ Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, trung bình mỗi năm, lượng rác thải điện tử ở Việt Nam tăng khoảng 90 ngàn tấn.
Trước nguy cơ ô nhiễm từ các loại rác thải điện tử, một số tổ chức, doanh nghiệp đã triển khai thu gom. Mới đây, tại Việt Nam đã bắt đầu triển khai Dự án thí điểm thu hồi và xử lý sản phẩm điện – điện tử thải bỏ (Dự án WEEE) có tên là “Việt Nam tái chế”. Dự án được khởi xướng bởi các nhà sản xuất thiết bị điện – điện tử nhằm thu hồi miễn phí các thiết bị đã qua sử dụng hoặc bị hỏng để bảo đảm việc tái chế an toàn và thân thiện với môi trường. Tất cả các thiết bị đã qua sử dụng hoặc bị lỗi sẽ được thu gom một cách an toàn và xử lý một cách chuyên nghiệp nhằm đạt được tỉ lệ thu hồi tối đa tài nguyên tự nhiên và đảm bảo việc xử lý rác chuyên nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội đã thiết lập được 5 điểm thu gom các loại rác thải điện tử. Tuy nhiên cho đến nay, việc thu gom này vẫn chưa thực sự đạt được hiệu quả như mong muốn.
Một trong những điểm thu gom của Chương trình được đặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân phường Thành Công. Tuy nhiên, số lượng đồ phế thải điện tử mà người dân trong khu vực mang tới điểm thu gom chỉ là lèo tèo vài cục pin đã sử dụng hoặc một, hai vật dụng điện tử khác.
Ông Ngô Ngọc Lâm – Phó chủ tịch UBND phường Thành Công cho biết: “Chúng tôi khuyến khích người dân mang những đồ điện tử đã hỏng hóc tới đây để giao nộp cho đơn vị thu gom. Đây là việc làm hết sức cần thiết nhằm bảo vệ môi trường”. Cũng theo ông Ngô Ngọc Lâm, nhận thức của người dân về sự nguy hại từ những thiết bị điện tử cũ, hỏng vẫn còn hạn chế, dẫn đến tình trạng những gia đình mang đồ điện tử cũ, hỏng đến điểm thu gom chưa nhiều. Một lý do khác, thay vì việc phải mang vác những chiếc tivi, nồi cơm điện hay một đồ điện tử cũ nào đó tới tận tận điểm thu gom thì người dân còn có thể bán cho những người đi thu mua đồ cũ tới tận nhà hỏi mua, như vậy sẽ không mất công mà người dân còn được thêm chút tiền từ việc bán đồ.
Không chỉ ở Việt Nam, hiểm họa môi trường từ rác thải điện tử đã được các chuyên gia trên thế giới cảnh báo lâu nay. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được những tác hại từ chúng khi xử lý, tiêu hủy không đúng cách.