Người dân lo lắng nguồn nước bị ô nhiễm ở Khánh Hòa

Những năm gần đây, nhiều vùng nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp ở Khánh Hòa bị xóa sổ, vì người nuôi liên tục thua lỗ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, tuy nhiên môi trường ô nhiễm, nhất là nguồn nước không đảm bảo là nguyên nhân hàng đầu.

Nuôi quảng canh cũng chết

Nghề nuôi tôm thẻ chân trắng ở Khánh Hòa phát triển rầm rộ từ thập niên 90 trở về trước. Khi đó người có tiền mới đầu tư nuôi tôm và chỉ có nuôi tôm mới hy vọng đổi đời. Thế nhưng từ năm 2003 trở về sau, môi trường ngày càng ô nhiễm, tôm nuôi phát sinh dịch bệnh nhiều.

071216-nuoitom

Vùng nuôi tôm ở Ninh Ích, người dân chỉ nuôi quảng canh, không còn đầu tư quy mô như trước

Vùng nuôi tôm ở Ninh Ích, người dân chỉ nuôi quảng canh, không còn đầu tư quy mô như trước

Điển hình như tại TX Ninh Hòa, vùng nuôi tôm trọng điểm ở Khánh Hòa, với diện tích ao nuôi lên đến hàng ngàn ha, tập trung tại các xã Ninh Lộc, Ninh Ích, Ninh Phú và các phường Ninh Hà, Ninh Giang…với 2 hình thức nuôi chủ yếu là công nghiệp và bán công nghiệp. Tuy nhiên đó là chuyện cũ, còn hiện tại nhiều vùng nuôi đang tiêu điều, ao bỏ trống, cỏ cây mọc um tùm, nhường chỗ cho nuôi quảng canh “lên ngôi”.

Mở đầu câu chuyện, ông Lê Hữu Đông (52 tuổi), một người có thâm niên nuôi tôm gần 30 năm ở thôn Phú Hữu, xã Ninh Ích nhìn nhận, các vùng nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp bị xóa sổ, do nhiều nguyên nhân tuy nhiên môi trường ô nhiễm, nhất là nguồn nước không đảm bảo là nguyên nhân chính.

Theo ông Đông, hiện hệ thống hạ tầng cho vùng tôm chưa được đầu tư, chủ yếu là kênh đất, nên nguồn nước dẫn vào càng bẩn. Bên cạnh đó do dùng chung một hệ thống kênh cấp, kênh thoát, không có hệ thống xử lý nước thải nên việc xả nước thải tràn lan dẫn đến lây lan, bùng phát dịch bệnh. Và, khi một hộ bị dịch bệnh xả thẳng ra môi trường kéo theo các hộ khác bị “dính”.

Các kênh mương, rạch cung cấp nước cho ao nuôi chủ yếu là kênh đất, nguồn nước rất bẩn

Các kênh mương, rạch cung cấp nước cho ao nuôi chủ yếu là kênh đất, nguồn nước rất bẩn

“Như gia đình tôi có 3.500 m2 ao nuôi ở khu vực Đá Đen. Trước đây tôi nuôi tôm bán công nghiệp, mỗi vụ thả từ 25-30 vạn giống, lãi hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên từ năm 2005 đến 2010, do liên tục thua lỗ, nên tôi chuyển sang nuôi quảng canh, nhưng vẫn thiệt hại. Chứng tỏ môi trường nước nuôi tôm bây giờ quá ô nhiễm”, ông Đông bộc bạch.

Tương tự, ông Trần Văn Hải, thôn Vạn Thiện, người cùng xã cũng chuyển sang nuôi quảng canh từ 5 năm nay nhưng vẫn không thoát, 3 vụ gần đây gia đình ông vẫn thua lỗ, ước tính gần 50 triệu đồng. Giờ ông Hải không mặn mà nuôi tôm nữa. “Mặc dù, trước vụ nuôi chúng tôi đã tiến hành xử lý ao đầm, nhưng nguồn nước nuôi tôm không cải thiện là bao”, ông Hải nói.

Ông Phạm Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích xác nhận địa phương từng là vùng nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp hiệu quả, nhưng bắt đầu từ năm 2003 trở về sau, đặc biệt 4 năm nay người nuôi thất bát nên không ai mặn mà. Hiện diện tích 350 ha ao nuôi, bà con đã chuyển sang nuôi quảng canh, hoặc nuôi tôm xen cua.

Cần quy hoạch lại vùng nuôi

Để cải thiện nguồn nước, hiện các địa phương cho rằng nhà nước cần quy hoạch lại vùng nuôi, kết hợp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Người dân cho biết, nuôi tôm quảng canh cũng chết liên tục, chứng tỏ nguồn nước không ổn

Người dân cho biết, nuôi tôm quảng canh cũng chết liên tục, chứng tỏ nguồn nước không ổn

Bởi hầu hết các vùng nuôi chưa có hệ thống cấp – thoát nước riêng biệt, chưa có hệ thống xử lý nước thải. Hệ thống giao thông và điện chưa được đầu tư, chủ yếu tận dụng từ các công trình thủy lợi của ngành trồng trọt dẫn đến nước ô nhiễm, dễ làm phát sinh và lây lan dịch bệnh.

Ông Phạm Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích cho biết hiện các trầm tích lắng đọng, bùn bã, hữu cơ ở các kênh mương, rạch, ao nuôi khá lớn. Cơ quan chuyên môn cũng đánh giá vùng nuôi tôm Ninh Ích đang “lâm bệnh”. Chất lượng nước, môi trường kém, bởi các vùng nuôi vẹm, hàu phía ngoài đầm Nha Phu cắm cộc dày gây cản trở việc lưu thông nguồn nước đến các vùng nuôi tôm. Hiện các đáy khu vực nuôi vẹm, hàu đã cạn từ 0,6-0,7m so với trước đây.

“Để vùng nuôi an toàn, nhà nước cần quy hoạch lại vùng nuôi cụ thể, nơi nào đầu tư nuôi công nghiệp, nơi nào nuôi bán công nghiệp và quảng canh phải rõ ràng. Đồng thời tổ chức nạo vét kênh mương, hướng dẫn người nuôi áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong nuôi tôm…”, ông Khánh chia sẻ.

Theo thiennhien

Nhân viên kinh doanh

  • Ms Hằng 028.3770.1202

Tư vấn môi trường

  • Ms Hằng098.588.6371
  • Ms Thuỷ0914.809.147