//= get_template_directory_uri() ?>
1.316 doanh nghiệp đã bị buộc phải di dời ra khỏi khu vực nội thành hoặc chuyển đổi sản xuất để không còn gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hiệu quả của việc giảm thiểu ô nhiễm ở khu vực nội thành lại hình thành những khu vực ô nhiễm mới ở ngoại thành. Đơn cử tại huyện Bình Chánh cho thấy, trên địa bàn huyện có 194 cơ sở sản xuất có nguy cơ ô nhiễm và gây ô nhiễm đang hoạt động xen cài trong khu dân cư, với các ngành nghề: tái chế nhựa phế liệu, cán kéo sắt thép, may gia công, sản xuất giày, chế biến thủy hải sản, sản xuất cà phê, sản xuất nhựa, sản xuất phân bón, giặt sấy vải, chặt thùng phuy, nấu nhôm. Quận Bình Tân cũng có 164 đơn vị sản xuất có khả năng gây ô nhiễm môi trường hoạt động xen cài trong khu dân cư và 3.181 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy nổ, tập trung một số ngành nghề sản xuất có nguy cơ cháy nổ cao tại phường Bình Trị Đông A, Bình Hưng Hòa, Bình Hưng Hòa A, Tân Tạo A. Quận Thủ Đức cũng đang có 79 đơn vị thuộc diện ô nhiễm phải di dời và 1.906 cơ sở hoạt động trong các lĩnh vực thu mua phế liệu, buôn bán hóa chất dung môi ngành sơn, xăng dầu, mua bán khí ammoniac, bán buôn axetylen, oxygen… có nguy cơ cháy, nổ cao.
Phần lớn cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ, rất nhỏ, vốn sản xuất cũng như diện tích đất sản xuất hạn hẹp nên dù đã bị cơ quan chức năng xử phạt nhiều lần nhưng họ vẫn không thể khắc phục được ô nhiễm môi trường. Đơn cử như tại huyện Bình Chánh có các đơn vị: Công ty TNHH Sản xuất thức ăn gia súc Đại Hưng, Chi nhánh doanh nghiệp tư nhân Tô Phước Cường, Công ty TNHH MTV SX-TM-DV Thành Đô, Công ty TNHH SX-DV-TM Minh Đạt, Cơ sở thu mua vải vụn Gia Huy… Những cơ sở này quy mô sản xuất hộ gia đình, thường xuyên xả khí thải, nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép với lưu lượng khoảng 10m3/ngày.
Quận, huyện kêu khó
Xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm là rất cấp thiết. Tuy nhiên, theo nhiều quận, huyện rất khó để xử lý những cơ sở này. Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết huyện đã tăng cường chỉ đạo kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nhưng các cơ sở sản xuất có nhiều biện pháp để đối phó với cơ quan chức năng trong công tác thanh tra, kiểm tra nên tình trạng ô nhiễm chưa giảm. Đội ngũ cán bộ công chức phụ trách lĩnh vực bảo vệ môi trường còn mỏng, kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực, chưa đáp ứng trình độ chuyên môn, trong khi huyện Bình Chánh đang trong thời kỳ đô thị hóa, tốc độ phát triển của các cơ sở tăng nhanh. Mặt khác, cơ chế pháp lý của nhà nước về quản lý trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế về chức năng, nhiệm vụ, biện pháp răn đe còn chưa đủ mạnh để xử lý dứt điểm hành vi vi phạm. Để đảm bảo và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, cũng như kéo giảm ô nhiễm môi trường hoạt động xen cài trong khu dân cư, cần ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ đối với các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường buộc di dời khỏi khu dân cư. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ các đơn vị chuyển đổi công nghệ sản xuất theo hướng giảm thiểu ô nhiễm môi trường khi di dời đến nơi tập trung mới.
Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Gia Thái Bình cũng cho biết, các cơ sở nhỏ lẻ, thiếu nguồn vốn để trang bị hệ thống xử lý chất thải và đầu tư thay đổi công nghệ, quy trình sản xuất để giảm thiểu ô nhiễm. Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư cũng gặp khó khăn về địa điểm di dời do chưa có quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp tiếp nhận các ngành nghề dễ gây ô nhiễm hoạt động quy mô nhỏ. Bên cạnh đó, thành phố cũng chưa có chủ trương hỗ trợ về vốn và lãi suất cho vay nên khó yêu cầu các cơ sở gây ô nhiễm môi trường hoạt động xen cài trong khu dân cư khắc phục ô nhiễm môi trường. Do đó, để khắc phục hiện trạng trên, nhất thiết thành phố có chính sách hỗ trợ vốn vay và lãi suất cho vay, tạo điều kiện để các cơ sở ô nhiễm trang bị hệ thống xử lý chất thải, đầu tư thay đổi máy móc nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.