//= get_template_directory_uri() ?>
Thế nhưng, chỉ khoảng trên, dưới chục năm gần đây rác thải trở nên quá tải vì ao, hồ, mương máng không thể còn chỗ mà chứa nổi nữa. Người ta mang rác đổ lung tung, thậm chí là cả ven các bờ vùng bờ thửa, ven các khu ruộng đất canh tác… Nếu như trước đây, rác đổ công khai, thì nay nhiều hộ phải mang rác đi đổ… trộm ngoài đồng vì quá bí chỗ đổ.
Quả thực là, về bất cứ một làng quê nào, cũng có thể gặp ngổn ngang những bãi rác tự phát. Rác tràn xuống ruộng, rác lấp ao, hồ và rác “bao vây” cả các khu dân cư. Mùi xú uế của rác thải khiến cho môi trường sống của chính người nông dân ít nhiều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Có những bãi rác chỉ cách phòng ngủ, quán hàng ăn, khu vui chơi giải trí của trẻ em chưa đầy 20 mét.
Theo Vietnamnet, dường như người dân cũng đã quá quen với hình ảnh của các bãi rác hôi thối, ruồi nhặng xúm đen nên họ vẫn thản nhiên ăn, thản nhiên sống, sinh hoạt…bên cạnh (?!). Rác thải ở nông thôn bây giờ có quá nhiều rác vô cơ là túi nilon, các loại bao bì công nghiệp khó phân huỷ nên gây độc hại tới môi trường là không nhỏ.
Ngoài rác thải ra thì môi trường sống ở nông thôn cũng đang bị “tấn công” bởi nguồn nước ô nhiễm trầm trọng. Nếu như nước bề mặt quanh làng, xóm đen ngòm vì chính lượng nước thải sinh hoạt của người dân hàng ngày trực tiếp đổ ra, thì nước ngầm cũng đã và đang có dấu hiệu “bẩn” rất nhanh.
Từ rác thải, từ nước thải trên bề mặt như vậy nên việc nước ngầm bị ô nhiễm là điều hiển nhiên, vì qua nhiều năm tháng, sự ô nhiễm cứ ngấm xuống để rồi người dân vẫn phải hút nước ngầm lên sử dụng và sẽ khó lòng tránh được bệnh tật cùng nhiều ảnh hưởng về sức khoẻ khác…
Báo cáo môi trường quốc gia 2014 với chủ đề "Môi trường nông thôn" vừa công bố cho thấy với khoảng 67% dân số cả nước, nông thôn Việt Nam đang chịu những sức ép không nhỏ về ô nhiễm môi trường từ các khu-cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất và sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp.
Báo cáo cũng chỉ ra nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc ô nhiễm môi trường nông thôn là do các hoạt động sản xuất ở các vùng nông thôn còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, công nghiệp lạc hậu, hiệu quả sử dụng nguyên/nhiên liệu còn thấp.
Giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn
Để giảm những tác động từ ô nhiễm môi trường đến sức khỏe người dân đang sinh sống ở các vùng nông thôn hiện nay, chúng ta cần có các kế hoạch và biện pháp đánh giá toàn diện về thực trạng ô nhiễm môi trường tại các khu vực nông thôn – ThS. Nguyễn Thị Bích, Trường Đại học Tài nguyên & Môi trường Hà Nội, chia sẻ trên Tạp chí Tài nguyên & Môi trường.
Tuy nhiên, do đặc điểm phát triển kinh tế – xã hội tại mỗi địa phương khác nhau, cho nên mức độ ô nhiễm môi trường cũng khác nhau, do vậy, việc cấp bách hiện nay là phải lập được bản đồ về ô nhiễm môi trường tại khu vực này, để qua đó xác định được các vùng ô nhiễm trọng tâm, trọng điểm nhằm có các biện pháp khắc phục phù hợp và kịp thời.
Chú trọng đến công tác quy hoạch phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp, các làng nghề tại các khu vực nông thôn, bảo đảm tính khoa học cao, trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng, toàn diện các xu thế phát triển, từ đó có chính sách phù hợp, tránh tình trạng quy hoạch tràn lan, thiếu đồng bộ, chồng chéo như ở một số địa phương thời gian qua.
Đối với các khu công nghiệp đóng trên địa bàn các vùng nông thôn hiện nay, cần có quy định bắt buộc các công ty đầu tư hạ tầng phải xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung hoàn chỉnh mới được cấp phép hoạt động; đồng thời, bổ sung nguồn nhân lực, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý môi trường.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó cần chú trọng việc xây dựng các chế tài xử phạt phải mạnh để đủ sức răn đe các đối tượng vị phạm. Ban hành và thể chế hoá các luật có liên quan đến công tác bảo vệ môi trường tại các khu vực nông thôn, tiến tới xây dựng luật riêng về lĩnh vực này. Bên cạnh đó, xây dựng đồng bộ hệ thống quản lý môi trường trong các nhà máy, các khu công nghiệp theo đúng tiêu chuẩn, đồng thời tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động bảo vệ môi trường.
Tăng cường công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn, nhất là giữa lực lượng thanh tra môi trường với lực lượng cảnh sát môi trường các cấp, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lí kịp thời, triệt để những hành vi gây ô nhiễm môi trường của các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác môi trường; trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại để phục vụ có hiệu quả hoạt động bảo vệ môi trường.
Chú trọng công tác quy hoạch phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp, các làng nghề, đô thị, bảo đảm tính khoa học cao, trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng, toàn diện các xu thế phát triển, từ đó có chính sách phù hợp; tránh tình trạng quy hoạch tràn lan, thiếu đồng bộ, chồng chéo như ở nhiều địa phương thời gian vừa qua, gây khó khăn cho công tác quản lí nói chung, quản lý môi trường nói riêng. Đối với các khu công nghiệp cần có quy định bắt buộc các công ty đầu tư hạ tầng phải xây dựng hệ thống thu gom, xử lí nước thải tập trung hoàn chỉnh mới được phép hoạt động, đồng thời thường xuyên có báo cáo định kỳ về hoạt động xử lí nước thải, rác thải.
Chú trọng và tổ chức thực hiện nghiêm túc việc thẩm định, đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư, trên cơ sở đó, cơ quan chuyên môn tham mưu chính xác cho cấp có thẩm quyền xem xét quyết định việc cấp hay không cấp giấy phép đầu tư. Việc quyết định các dự án đầu tư cần được cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích đem lại trước mắt với những ảnh hưởng của nó đến môi trường về lâu dài. Thực hiện công khai, minh bạch các quy hoạch, dự án đầu tư và tạo điều kiện để mọi tổ chức và công dân có thể tham gia phản biện xã hội về tác động môi trường của những quy hoạch và dự án đó.
Để cải thiện mức độ ô nhiễm môi trường nông thôn, biện pháp quan trọng nhất và mang tính chiến lược là vận động, tuyên truyền cộng đồng để thay đổi tập quán, thói quen xả rác tùy tiện; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường trong toàn xã hội nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của người dân, doanh nghiệp trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường; xây dựng ý thức sinh thái, làm cho mọi người nhận thức một cách tự giác về vị trí, vai trò, mối quan hệ mật thiết giữa tự nhiên, con người và xã hội.